Thành viên Tổ hợp tác dán nhãn mác cho sản phẩm tinh dầu hồi
Qua khảo sát thực địa, năm 2015 Ban quản lý Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (Dự án FFF) đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến tinh dầu hồi tại thôn Thạch Ngõa, với 8 thành viên tham gia. Người dân được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chưng cất dầu hồi; hướng dẫn kỹ năng quản lý tổ nhóm, quản lý tài chính, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội... để quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường; học tập kinh nghiệm thực tế tại mô hình đã có hiệu quả tại địa phương khác.
Thông qua sự hỗ trợ của Dự án FFF, các thành viên của Tổ hợp tác góp tiền mua máy chưng cất tinh dầu hồi với giá 40 triệu đồng. Năm 2016, Tổ hợp tác được chưng cất thành công khoảng 80 lít tinh dầu hồi, bước đầu giới thiệu ra thị trường thông qua các hội chợ trong nước, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn quảng bá trên internet... Giá bán tinh dầu hồi là 800.000 đồng/lít, loại đóng chai 30ml có giá 50.000 đồng/lọ. Sản lượng tinh dầu chưa nhiều do giá hồi vào mùa chính vụ cao, không thể thu mua để sản xuất bởi cứ 1 tạ quả hồi, lá tươi chỉ thu được 3 lít tinh dầu. Do vậy nguyên liệu mua vào giá phải dưới 15.000 đồng/kg thì sản xuất mới có lãi.
Ông Dương Văn Huynh - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và chế biến tinh dầu hồi cho biết: Cây hồi được người dân xã Mỹ Phương trồng từ nhiều năm, diện tích khá lớn nhưng hàng năm chỉ bán quả, khi lò chưng cất tinh dầu đi vào hoạt động có thể tận dụng cả lá, những cây không ra quả không phải lãng phí bằng cách chặt đi nữa. Năm 2016, Tổ hợp tác tiêu thụ 3 tấn hoa hồi, 06 tấn lá hồi cho người dân trong thôn. Việc chưng cất tinh dầu hồi còn phụ thuộc vào thời gian, đối với lá thì khoảng tháng 11-12 âm lịch chưng cất mới có dầu. Hồi được thu hoạch 2 lần trong năm (tháng 2 - 3 và tháng 6 - 8 âm lịch) nên nguồn nguyên liệu thường xuyên ổn định.
Công nghệ chiết xuất tinh dầu hồi bằng phương pháp chưng cất quy mô nhỏ phù hợp với trình độ quản lý, tổ chức sản xuất của người dân vùng cao. Tận dụng lá hồi, quả hồi dù hỏng, mẫu mã không đẹp… đều có thể sử dụng được, giúp người dân trồng hồi tăng thêm thu nhập. Sản phẩm tinh dầu hồi của Tổ hợp tác có sức tiêu thụ lớn sẽ góp phần giúp người dân gắn bó với cây hồi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là sản phẩm tinh dầu hồi của Tổ hợp tác đã được kiểm định chất lượng sản phẩm an toàn của ngành chức năng, nhưng khâu đóng chai và dán nhãn vẫn làm thủ công. Đây là rào cản trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường của các siêu thị.
Ông Huynh cho biết thêm: tinh dầu hồi hiện chỉ bán lẻ và nguyên liệu theo mùa nên không thể sản xuất liên tục. Sản phẩm đang trong quá trình đợi ngành chức năng hoàn thiện việc cung cấp mã số, mã vạch và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi hoàn tất các khâu, sản phẩm tinh dầu hồi của Tổ hợp tác sẽ có nguồn tiêu thụ ổn định. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Tổ hợp tác đã chưng cất 5 mẻ, đạt sản lượng 200 lít.
Lộ trình trong năm 2017, sản phẩm tinh dầu hồi của Tổ hợp tác sẽ đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể cung ứng vào hệ thống siêu thị, hiệu thuốc, đầu tư thêm máy móc đóng dán nhãn mác… từ đó thị trường được mở rộng, thu nhập tăng. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất lâu dài, mỗi năm thành viên Tổ hợp tác trồng mới từ 2 - 4ha cây hồi, thời gian cây hồi cho thu hoạch khoảng 5 năm. Ngoài ra, để đa dạng các sản phẩm, tạo việc làm liên tục, thành viên Tổ hợp tác trồng và phát triển các loại rau đặc sản như bồ khai, pác khỉ.
Có thể khẳng định, dù quy mô sản xuất tinh dầu hồi của Tổ hợp tác còn khiêm tốn nhưng đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới khi người dân tạo ra sản phẩm chế biến sâu từ nguyên liệu sẵn có, góp phần nâng cao đời sống cho người dân./.