Trong 2 năm thực hiện chương trình, Tổ hợp tác trồng rừng Mạy Phấy đã được Ban Quản lý Chương trình FFF hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực phân tích thị trường; phát triển kinh doanh, quản lý tài chính và tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Quảng Trị,… cho các thành viên Tổ hợp tác. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Chương trình FFF còn phối hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp tổ chức tập huấn phổ biến kinh nghiệm về sản xuất và sử dụng ván mỏng cho các thành viên trong Tổ hợp tác tham gia chương trình.
Xưởng sản xuất ván bóc của Tổ hợp tác trồng rừng Mạy Phấy, xã Chu Hương, huyện Ba Bể
Sau các lớp tập huấn và tham quan học tập kinh nghiệm, Tổ hợp tác trồng rừng Mạy Phấy đã đầu tư mở xưởng sản xuất ván bóc tại xã Chu Hương, huyện Ba Bể. Tuy nhiên, ban đầu do thiếu kiến thức về thực hành thiết bị và công nghệ sản xuất ván bóc nên các hộ tham gia gặp không ít khó khăn về lựa chọn đầu tư, vận hành và bảo dưỡng thiết bị. Từ đó dẫn đến chất lượng ván bóc thấp, chiều dày ván bóc không ổn định, sản phẩm làm ra không đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, hoặc khi xuất bán sản phẩm bị trừ 20% khối lượng.
Nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế và kỹ năng vận hành thiết bị, Ban Quản lý Chương trình FFF tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Lâm nghiệp tổ chức thăm xưởng sản xuất của Tổ hợp tác trồng rừng Mạy Phấy, đồng thời hỗ trợ cải tiến chế tạo 3 cụm trục cuốn gỗ, máy bóc, hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng thiết bị nhằm nâng cao chất lượng ván bóc, các kĩ năng vận hành thiết bị, nâng cao chất lượng ván bóc, ổn định chiều dày ván. Nhờ đó chất lượng ván bóc được nâng cao, chiều dày ván đạt yêu cầu, ổn định.
Đến nay, Tổ hợp tác trồng rừng Mạy Phấy đã tổ chức sản xuất được 160m3 gỗ bóc, tạo việc làm cho 09 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 120.000đồng/ngày/người.
Với những kết quả đạt được của Tổ hợp tác trồng rừng Mạy Phấy, có thể khẳng định rằng: “Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại FFF thực hiện tại tỉnh Bắc Kạn đã tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, tạo đà cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”./.