CHUYÊN TRANG RỪNG VÀ TRANG TRẠI

http://trangtrai-rungbackan.com


Mô hình nuôi ong mật dưới tán rừng ước tính cho sản lượng hơn 1.500 lít mật/năm

Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), cùng sự tư vấn, định hướng của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, tháng 3/2024 Tổ hợp tác (THT) nuôi ong thôn Tát Dài, xã Địa Linh, huyện Ba Bể chính thức được thành lập và ra mắt.
 
Mặc dù mới đi vào hoạt động, song Mô hình nuôi ong mật theo hướng hữu cơ của THT bước đầu đã thu được những tín hiệu vui. Thông qua Mô hình cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm mật ong an toàn, không tồn dư kháng sinh, sản phẩm thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay THT có 18 thành viên tham gia, với quy mô trên 300 thùng nuôi ong. Quá trình hoạt động, được sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, THT đã được tham gia Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu mật ong rừng và kết nối thị trường. Các thành viên THT được tập huấn nuôi ong, nâng cao chất lượng đàn ong và mật ong, các kỹ thuật thu hái, đóng gói, kiểm soát chất lượng mật ong, áp dụng hệ thống PGS trong kiểm tra và giám sát chất lượng mật ong tự nhiên. Bên cạnh đó, THT còn được hỗ trợ 39 thùng ong và 42 khung cầu ong cho 18 thành viên. Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật dưới tán rừng theo hướng hữu cơ, cùng với việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, mô hình nuôi ong của THT nuôi thôn Tát Dài phát triển khá tốt.
         
 
dl0

Mô hình nuôi ong mật theo hướng hữu cơ của THT thôn Tát Dài
 
Theo chia sẻ của anh Hoàng văn Dụng -Tổ trưởng THT nuôi ong thôn Tát Dài: Nuôi ong không khó, vốn đầu tư không nhiều nhưng đòi hỏi tỉ mỉ, người nuôi phải kiên trì, nhẫn nại. Đặc biệt người nuôi phải áp dụng đúng kỹ thuậthiểu rõ tập tính của ong. Ngoài những kinh nghiệm thực tế, thông qua sự hỗ trợ của Chương trình FFF, tôi và các thành viên trong THT còn được tập huấn, hướng dẫn về KHKT, từ đó đã có thêm những kiến thức bổ ích trong việc nuôi ong, đặc biệt là nuôi theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người.
Cũng theo anh Dụng, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về nuôi ong hữu cơ do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, các thành viên trong THT đã chú trọng áp dụng kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa, lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong; kỹ thuật tách đàn, áp dụng hiệu quả cách thu hoạch mật bằng thùng quay ly tâm để tăng sản lượng mật, đảm bảo chất lượng của mật ong. Đồng thời thường xuyên kiểm tra cầu ong, di chuyển cầu ong liên tục để tích mật, làm tăng năng suất mật ong.
 
 
dl1

Các thành viên THT thôn Tát Dài thu hoạch mật ong
 
Để duy trì đàn ong khỏe mạnh, năng suất cao và sản phẩm mật đạt chất lượng tốt nhất, các thành viên trong THT cũng thường xuyên kiểm tra và vệ sinh cho các thùng ong, đảm bảo thùng khô ráo và sạch sẽ. Trong quá trình nuôi THT cũng áp dụng một số loại thảo dược để phòng trừ bệnh cho ong, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các sản phẩm thân thiện và ít ảnh hưởng tới môi trường. Ước tính tổng sản lượng mật ong mà THT nuôi ong thôn Tát Dài thu được trong một năm là hơn 1.500 lít.
Nhằm giúp đưa sản phẩm mật ong của THT thôn Tát Dài ra thị trường được rộng rãi hơn, Chương trình FFF đã liên kết THT với HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh để tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, THT được hỗ trợ về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, thiết kế logo, mẫu mã bao bì, nhãn mác, đóng gói; tem truy xuất sản phẩm mật ong rừng. Đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia Hội chợ thương mại giới thiệu và quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, tiếp cận thương mại điện tử tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đặc biệt sau khi tham gia Dự án, sản phẩm mật ong của THT thôn Tát Dài được nâng cao về giá trị, với giá thành tăng từ 300.000đ/1 lít lên 350.000đ/1 lít, qua đó giúp gia tăng thu nhập cho các hộ nuôi ong.
 
dl2
Sản phẩm mật ong rừng của THT thôn Tát Dài tham gia Hội chợ thương mại giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội
 
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn: Mô hình nuôi ong mật của THT thôn Tát Dài không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường, làm tăng năng suất cây trồng và tiết kiệm một phần chi phí áp dụng phương pháp thụ phấn khác cho cây nông nghiệp. Do vậy đây là mô hình có khả năng nhân ra diện rộng vì phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng miền núi, giúp người dân nông thôn thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, nâng cao sự đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động ở địa phương. Đồng thời mô hình còn giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ.
 
 
dl3

Sản phẩm mật ong của THT được hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã bao bì, nhãn mác
 
Vài năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường về mật ong ngày càng tăng lên, điều này giúp THT nuôi ong thôn Tát Dài có thêm động lực để vững tin, mạnh dạn phát triển mở rộng mô hình. THT cũng mong muốn tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ về KHKT, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường để sản phẩm mật ong của địa phương vươn xa tới các tỉnh, thành lớn trong cả nước, từng bước giúp các thành viên của THT nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế./.

Tác giả bài viết: Hoàng Văn Thứ - Giám đốc HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây