Hợp tác xã nông nghiệp Bản Mộc tiên phong trong sản xuất sản phẩm chè theo hướng hữu cơ
- Thứ sáu - 29/11/2024 09:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chè là một trong những cây trồng thế mạnh được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm của tỉnh Bắc Kạn. Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường. Hợp tác xã nông nghiệp Bản Mộc, xã Yên Hân, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu hướng đến sản xuất sản phẩm chè hữu cơ.
Yên Hân là xã đặc biệt khó khăn thuộc phía Đông của huyện Chợ Mới, người dân trong xã chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp chiếm trên 90%. Phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ nhận thức của ngươi dân chưa đồng đều; bà con còn thụ động, chưa biết cách vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các sản phẩm nông nghiệp của xã còn manh mún, nhỏ lẻ chưa trở thành hàng hóa, phương thức sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp và dựa phần lớn vào điều kiện tự nhiên.
Ông Ma Văn Thống - Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mộc kiểm tra quá trình phát triển của cây chè
Đứng trước thực trạng trên, đầu năm 2023 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bản Mộc được thành lập, bước đầu HTX đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm từ cây chè Shan Tuyết nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu an toàn theo hướng hữu cơ.
Sản phẩm chè xanh Shan Tuyết của HTX nông nghiệp Bản Mộc
Ông Ma Văn Thống - Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mộc chia sẻ “Để hướng đến sản xuất chè hữu cơ, HTX đã chủ động học tập tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia và đã làm chủ công nghệ, tự sản xuất được men vi sinh; chủ động ứng dụng công nghệ vi sinh trong việc chăm sóc cây chè Shan Tuyết theo hướng hữu cơ bền vững; tích cực sử dụng các loại nguyên liệu như: tỏi, ớt, gừng ngâm, phun vi sinh thay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học”.
Trong thời gian qua, các thành viên HTX đã tích cực sử dụng men vi sinh trong việc ủ hoai mục phân chuồng, các phế phẩm nông nghiệp, tận dụng chất thải chăn nuôi, chất thải nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm được chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, HTX đang trồng và chăm sóc trên 26 ha chè Shan tuyết, chế biến các sản phẩm chính là chè xanh shan tuyết và hồng trà shan tuyết, sản lượng chè khô đạt 2,5 tấn/năm. Các sản phẩm chè Shan Tuyết của HTX đã được chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ PGS, đạt tiêu chuẩn OCOP 3sao năm 2023 và gần đây vinh dự nhận danh hiệu Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024. Tổng doanh thu từ mô hình: 500 - 600 triệu đồng/năm.
Trong thời gian tới, HTX xác định chú trọng nâng cao giá trị các sản phẩm chè phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp sạch, thực hiện cải tạo, thâm canh và trồng mới theo hướng VietGAP, hữu cơ; nâng cao năng lực cho các thành viên thông qua việc tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè địa phương./.
* Chú ý: Ghi rõ nguồn: trangtrai-rungbackan.com khi phát hành lại thông tin từ website này.