Hiệu quả từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại tại tỉnh Bắc Kạn
- Thứ ba - 26/03/2024 10:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, việc triển khai mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ nông, lâm kết hợp tại các xã thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn II do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tại tỉnh Bắc Kạn đã tạo nên luồng sinh khí mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Ban quản lý (BQL) Chương trình FFF II tỉnh Bắc Kạn đã hướng dẫn các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nòng cốt thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tư vấn thành lập mới 3 THT gồm: THT sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng Phiêng Phàng; THT chăn nuôi trâu bò Phiêng Phàng - xã Yến Dương và THT trồng lúa hữu cơ - xã Yên Phong. Nâng tổng số THT, HTX tham gia Chương trình lên 1 Liên hiệp HTX, 6 HTX và 4 THT với 184 thành viên chính thức, 600 thành viên liên kết.
Thành viên Liên hiệp HTX rừng và trang trại huyện Ba Bể tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực điều hành, quản lý, kỹ năng đàm phán, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm
Cùng với đó BQL Chương trình FFF II tỉnh Bắc Kạn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về lập kế hoạch truyền thông; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao; tập huấn kỹ thuật trồng cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp cây dược liệu dưới tán rừng cho các hộ trồng rừng. Đồng thời triển khai hỗ trợ cho 3 HTX và 4 THT vay vốn Quỹ tín dụng xanh với tổng số tiền 95 triệu đồng. Các thành viên THT, HTX đã bổ sung thêm 290 triệu đồng để đầu tư trồng cây dược liệu, sản xuất và chế biến tinh bột dong riềng, chăn nuôi trâu bò nhằm quản lý, phát triển rừng bền vững. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện sản xuất hữu cơ và cấp chứng nhận đạt sản phẩm hữu cơ PGS cho các sản phẩm gồm: Gạo Nếp Tài hữu cơ với diện tích 10 ha; Bí thơm hữu cơ với diện tích 12,2 ha. Từ sản phẩm gạo Nếp Tài, Bí thơm hữu cơ, các THT, HTX đã chế biến thành các sản phẩm như: Bánh chưng, trà bí thơm. Hiện các sản phẩm này đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai và các chuỗi siêu thị trong nước.
Cùng với những hoạt động trên, BQL Chương trình FFF II Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ các HTX tổ chức triển khai các hoạt động dự án nhỏ như: Tập huấn về nâng cao năng lực điều hành, quản lý, tìm kiếm thị trường; tập huấn kỹ thuật chuyển hoá rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp; tập huấn phát triển kinh tế rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập huấn hướng dẫn về phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ HTX tham gia xúc tiến thương mại...
BQL Chương trình FFF II tỉnh Bắc Kạn tổ chức cho các thành viên HTX, THT tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại HTX mây, tre, trúc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội
Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Liên hiệp HTX rừng và trang trại huyện Ba Bể, kiêm Giám đốc HTX Yến Dương, huyện Ba Bể chia sẻ: Qua quá trình tham gia các hoạt động của Chương trình FFF, Liên hiệp HTX đã được tiếp cận về nâng cao năng lực quản lý, hoạt động HTX, THT; hỗ trợ thành lập 3 nhóm marketing bán hàng; thực hiện 8 mô hình bí thơm hỗ trợ cho 120 hộ dân với diện tích 16 ha, phấn đấu sản phẩm bí thơm cũng như trà bí thơm sau này sẽ đạt chứng nhận hữu cơ PGS và một số chứng nhận hữu cơ khác. Ngoài ra, các HTX trong Liên hiệp HTX được hỗ trợ tham gia Chương trình diễn đàn đa ngành, hội nghị và tham gia học tập tại tỉnh, thành khác, ...
Năm 2024, Chương trình FFF II tiếp tục được triển khai tại 5 xã, gồm: Yến Dương, Mỹ Phương, Thượng Giáo, huyện Ba Bể; Phương Viên, Yên Phong, huyện Chợ Đồn. Ngoài ra triển khai các dự án nhỏ tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới và xã Địa Linh, huyện Ba Bể.
Chương trình FFF II là mô hình đạt được hiệu quả tích cực, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan tới các HTX, THT về khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, tài chính thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Đồng thời, những cách làm hay, sáng tạo từ Chương trình FFF đã lan tỏa, giúp người nông dân thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người nên ngày càng có thêm nhiều người tham gia chương trình. Thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo quy mô THT, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó giúp hội viên nông dân tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất quê hương, góp phần thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng./.
Chương trình FFF II là mô hình đạt được hiệu quả tích cực, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan tới các HTX, THT về khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, tài chính thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Đồng thời, những cách làm hay, sáng tạo từ Chương trình FFF đã lan tỏa, giúp người nông dân thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người nên ngày càng có thêm nhiều người tham gia chương trình. Thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo quy mô THT, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó giúp hội viên nông dân tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất quê hương, góp phần thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng./.
* Chú ý: Ghi rõ nguồn: trangtrai-rungbackan.com khi phát hành lại thông tin từ website này.