Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân
- Thứ tư - 26/06/2024 09:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ được triển khai tại Bắc Kạn từ năm 2014. Qua thời gian thực hiện, Chương trình đã phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc trồng và phát triển kinh tế rừng.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 374.027,12 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 271.804,94 ha, rừng trồng 102.222,18 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 73,38%, cao nhất cả nước. Từ lợi thế đó, Chương trình FFF triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt đã tạo được sự thay đổi rõ nét về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sinh kế dưới tán rừng. Hiện nay, Chương trình FFF được triển khai tại 5 xã, gồm xã Yến Dương, Mỹ Phương, Thượng Giáo (Ba Bể); Phương Viên, Yên Phong (Chợ Đồn). Ngoài ra, triển khai 01 dự án nhỏ tại xã Địa Linh, huyện Ba Bể.
BQL Chương trình FFF Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón cho hội viên nông dân thực hiện Mô hình trồng và chăm sóc cây hồi, quế tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể
Qua thời gian triển khai, Chương trình FFF đã nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Nông dân các cấp, tư vấn hiệu quả hơn cho nông dân; các tổ hợp tác, hợp tác xã biết chọn sản phẩm, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, thay đổi tư duy sản xuất theo thị trường, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, cùng nhau đầu tư, chế biến gia tăng giá trị, đa dạng sản phẩm. Chương trình cũng gắn kết người sản xuất rừng và trang trại, tăng tính đoàn kết, hợp tác trong nông dân, cộng đồng; gắn kết tổ hợp tác, hợp tác xã với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan. Về môi trường, đã hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp bền vững, áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển và bảo vệ rừng bền vững,…
Thông qua Chương trình FFF, Hội Nông tỉnh đã hướng dẫn thành lập và hỗ trợ duy trì 11 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) với 147 thành viên (05 HTX, 06 THT), 01 Liên hiệp HTX rừng và trang trại huyện Ba Bể với 08 HTX thành viên, gồm: 184 thành viên chính thức, 600 thành viên liên kết. Hỗ trợ xây dựng và duy trì hiệu quả 13 mô hình, điển hình như: Mô hình trồng lúa Nếp Tài hữu cơ; Mô hình trồng cây dược liệu (Xạ đen, Nhân trần; cây Sa nhân tím, Khôi nhung dưới tán rừng); Mô hình đan lát thủ công mỹ nghệ; Mô hình du lịch trải nghiệm tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương; Mô hình trồng và chăm sóc hồi, quế; Mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh, nông lâm kết hợp, hỗ trợ cây giống, gồm: Dẻ đỏ, Giổi ghép, Tếch, Vù hương, Trám đen ghép tại 5 xã thực hiện Chương trình FFF.
Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc HTX Yến Dương, huyện Ba Bể chia sẻ: Qua quá trình tham gia các hoạt động của Chương trình FFF, Liên hiệp HTX huyện Ba Bể đã được tiếp cận về nâng cao năng lực quản lý, hoạt động HTX, THT; hỗ trợ thành lập 03 nhóm marketing bán hàng; thực hiện 08 mô hình Bí xanh thơm hỗ trợ cho 120 hộ dân với diện tích 16 ha, phấn đấu sản phẩm Bí xanh thơm cũng như Trà Bí thơm sau này sẽ đạt chứng nhận hữu cơ PGS và một số chứng nhận hữu cơ khác. Thông qua Chương trình, HTX Yến Dương đã từng bước phát triển, mục tiêu của HTX là tạo sinh kế, việc làm cho các thành viên HTX. Do đó, HTX đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra của các thành viên HTX và các hộ liên kết khi thực hiện mô hình; hỗ trợ giống, phân bón để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, từ đó xây dựng sinh kế của gia đình và nâng cao thu nhập của thành viên HTX. Qua đ,ó nâng cao thu nhập của thành viên HTX từ 1-2 triệu đồng ban đầu tăng lên 5-6 triệu đồng/ người/ tháng.
Bên cạnh đó, BQL Chương trình FFF II tỉnh Bắc Kạn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về lập kế hoạch truyền thông; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao; tập huấn kỹ thuật trồng cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp cây dược liệu dưới tán rừng cho các hộ trồng rừng. Đồng thời, thành lập Ban Điều phối PGS Bắc Kạn nhằm hỗ trợ các THT, HTX chế biến các sản phẩm hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng dẫn các THT, HTX duy trì thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, cấp Chứng nhận hữu cơ PGS cho 23 lượt sản phẩm như: Trà Bí thơm, Miến dong, gạo Nếp Tài,… hướng dẫn xây dựng nhãn, mác bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tạo điều kiện cho các THT, HTX tham gia các hội chợ, sự kiện, Festival quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX từ 20 - 25%/năm. Hỗ trợ 07 THT, HTX xây dựng Quỹ tín dụng xanh, triển khai cho các thành viên vay với tổng số Quỹ tín dụng xanh 95 triệu đồng để đầu tư trồng cây dược liệu, sản xuất và chế biến tinh bột Dong riềng, chăn nuôi trâu bò nhằm quản lý, phát triển rừng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
BQL Chương trình FFF Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thảo lập kế hoạch liên ngành bàn về các giải pháp phát triển rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, gia tăng giá trị sản phẩm từ rừng tại thành phố Bắc Kạn
Cùng với những hoạt động trên, Chương trình FFF còn hỗ trợ các HTX tổ chức triển khai các hoạt động dự án nhỏ như: Tập huấn về nâng cao năng lực điều hành, quản lý, tìm kiếm thị trường; tập huấn kỹ thuật chuyển hoá rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp; tập huấn phát triển kinh tế rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập huấn hướng dẫn về phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ HTX thiết kế logo, nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc…và hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh...
Thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo quy mô THT, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp hội viên nông dân tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ các THT, HTX tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng các sản phẩm có chứng nhận theo tiêu chuẩn, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đồng thời, duy trì xây dựng các mô hình rừng và trang trại, trồng cây gỗ lớn, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; tuyên truyền mở rộng các mô hình sản xuất hữu cơ và chế biến các sản phẩm hữu cơ; phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, giúp người nông dân tăng thu nhập; xây dựng các sản phẩm đặc sản dựa trên thế mạnh của địa phương./.