Ban Quản lý chương trình FFF tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh bàn giải pháp hỗ trợ các Tổ hợp tác
- Thứ hai - 24/07/2017 00:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 20/7/2017, Ban quản lý Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại(FFF) tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh với mục tiêu chia sẻ tình hình thực hiện, tìm ra những khó khăn, vướng mắc của các Tổ hợp tác trong quá trình thực hiện cũng như tìm giải pháp hỗ trợ của các cấp, các ngành cho các Tổ hợp tác nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ đó tăng thu nhập từ rừng và trang trại cho các tổ, nhóm trồng rừng.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Dương Quý Vượng - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Ma Nhật Hoài-Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, cùng đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản; Chi cục Kiểm lâm; Trại Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản, Hội Nông dân huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, đại diện Chủ cơ sở chế biến gỗ và thành viên các Tổ hợp tác tham gia chương trình. Đồng chí Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban quản lý Chương trình FFF tỉnh Bắc Kạn chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban quản lý Chương trình FFF tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc hội nghị
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chương trình FFF đã tổ chức 02 Hội nghị thảo luận nhóm trọng tâm kết hợp với Hội nghị bàn tròn cấp xã tại 02 xã Chu Hương và Mỹ Phương, huyện Ba Bể; Tổ chức 01 Hội nghị bàn tròn cấp huyện tại huyện Ba Bể; Xây dựng mô hình nuôi ong dưới tán rừng và triển khai hỗ trợ cho các thành viên của 03 Tổ hợp tác (THT) tham gia thực hiện Chương trình FFF gồm: THT Khuổi Coóng, THT Khuổi Sliến và THT Nà Ngộm tại 02 xã Chu Hương và Mỹ Phương, huyện Ba Bể với quy mô 92 đàn ong cho 21 hộ thực hiện. Tổ chức 02 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm nuôi ong cho các thành viên tham gia mô hình tại tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang; Tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong và thu hoạch mật ong tại xã Mỹ Phương cho các thành viên tham gia mô hình tại 02 xã Chu Hương, Mỹ Phương. Kết quả đến nay, thu hoạch được 26 lít mật ong và tăng thêm 23 đàn ong nâng tổng số đàn ong là 115 đàn.
Ngoài ra các Tổ hợp tác đã triển khai các hoạt động của gói tài trợ nhỏ như: Tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGap; chế biến, đóng gói và bảo quản chè; Tổ hợp tác trồng và chế biến Hồi Thạch Ngõa tổ chức họp chuẩn bị thu mua nguyên liệu để chế biến Hồi, mua thêm 2000 giống cây Hồi trồng bổ sung.
Ông Dương Văn Huynh - Tổ hợp tác trồng và chế biến Hồi Thạch Ngõa xã Mỹ Phương nêu một số khó khăn của Tổ hợp tác
Sau Hội nghị bàn tròn cấp huyện, xã các Tổ hợp tác cũng đã được các cấp các ngành hỗ trợ giải quyết một số khó khăn như: hỗ trợ thủ tục lắp đặt đường điện 3 pha, cấp giấy phép kinh doanh cho xưởng sản xuất chế biến gỗ của Tổ hợp tác Khuổi Sliến, hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau bồ khai tại Thạch Ngõa, xã Mỹ Phương với số lượng 2.700 cây.
Tại hội nghị, các đại biểu tiếp tục thảo luận nhóm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các THT nông dân liên kết trong sản xuất và kinh doanh rừng như: Sở Khoa học công nghệ giới thiệu tham quan mô hình trồng Ba kích tím tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới; tập huấn khoa học kỹ thuật và cung ứng giống Ba kích tím; Trại giống cây trồng vật nuôi tỉnh cung ứng giống cây như bồ khai, hồi,…; liên kết tiêu thụ sản phẩm Hồi, rau bồ khai và chè của các Tổ hợp tác; Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản hỗ trợ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; chứng nhận an toàn thực phẩm; truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Những giải pháp hỗ trợ của các sở, ngành, các cơ quan chức năng sẽ là những tiền đề cần thiết để các thành viên của các Tổ hợp tác tiếp tục thực hiện thành công mô hình trong thời gian tới đạt hiệu quả./.